Nông nghiệp Đồng Tháp đứng tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long

    0
    82

    Theo kết quả thống kê, năm 2016, ước giá trị tăng thêm nông – lâm – thuỷ sản đạt hơn 15.870 tỷ đồng, tăng trưởng 3,3% so với năm 2015; đóng góp 1,25% vào tổng mức tăng trưởng kinh tế 6,38% của tỉnh và nằm trong tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

    Để làm rõ hơn về thành quả này, Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    PV: Thưa ông, tăng trưởng nông nghiệp của Đồng Tháp nằm trong tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016 là một kết quả rất đáng phấn khởi. Theo ông, yếu tố nào mang tính quyết định cho sự thành công trên?

    Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

    Ông Nguyễn Văn Công: Về khách quan, tăng trưởng 3,3% so với năm 2015 là không cao, nhưng là nằm trong tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những tỉnh có tăng trưởng cao nhất nước là do năm nay khí hậu bất lợi như: miền Bắc rét đậm rét hại kéo dài, miền Trung và Nam bị khô hạn. Bên cạnh đó, đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn kỷ lục, trong khi đó Đồng Tháp ít bị hạn và không bị mặn.

    Về chủ quan, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động từ đầu năm, bám sát kế hoạch để thực hiện, chủ động ứng phó từ trước, nhất là trong thuỷ lợi, áp dụng khoa hoc kỹ thuật,… Từng ngành hàng chủ lực có thế mạnh đều được quan tâm đầu tư, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

    Năm 2016 có sự đột phá trong các ngành hàng có dư địa phát triển như: thuỷ sản, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, hoa kiểng,… Cùng với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, thay đổi diện mạo nông nghiệp tỉnh nhà.

    PV: Năm 2016 xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đột phá, đáng chú ý là người sản xuất đã thay đổi tư duy, cách làm, chú trọng hơn đến ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác, liên kết, tiêu thụ trong sản xuất. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

    Ông Nguyễn Văn Công: Mô hình là bước đi phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kiểm nghiệm tính đúng đắn, thay đổi dần tư duy của người quản lý, bà con nông dân. Có thể nói, năm 2016 là năm của mô hình, như: mô hình xây dựng các Hợp tác xã đầu tàu, mô hình bón phân trước khi gieo, phân chậm tan, cấy bằng máy. Hay như rãi vụ xoài, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp (gồm: lúa, chanh, nhãn, ổi); sản xuất lúa sạch theo qui mô hộ, nuôi vịt an toàn sinh học, nuôi rọ, không chạy đồng.

    Bên cạnh đó, sự ra đời hàng loạt của các hội quán khuyến nông; mô hình bán trước sản xuất sau (cây xoài nhà tôi). Trong canh tác, áp dụng mạnh mẽ cơ giới hoá, khoa học kỹ thuật, xem trọng chất lượng, lợi nhuận của nông sản hơn là giá bán, năng suất, sản lượng.

    Để có được nhiều mô hình, ngành nông nghiệp luôn biết lắng nghe, trân trọng nâng niu mọi ý tưởng, gắn lý thuyết với kinh nghiệm, thực tiễn của bà con nông dân, nhất là những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn thanh niên nông thôn.

    PV: Mặc dù vậy, theo đánh giá, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Theo ông, lực cản nào đang kiềm hãm, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp? Nhận diện và tháo gỡ nó ra sao, thưa ông?

    Ông Nguyễn Văn Công: Việt Nam là 1 trong khoảng 20 nước có điều kiện để sản xuất nông nghiệp. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trù phú nhất nước, năm 2016, Đồng Tháp ít bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu so với các tỉnh trong vùng. Với những lợi thế đó thì rõ ràng ta chưa khai thác hết tiềm năng hiện có.

    Bên cạnh những thuận lợi, cũng còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ như: đất manh mún (bình quân 0,4ha/hộ nông dân có đất), chính sách cho nông nghiệp và nông thôn vừa ít, không tạo ra động lực vừa khó đi vào cuộc sống.

    Để thay đổi, tháo gỡ những điểm nghẽn, bên cạnh việc sửa đổi Luật, qui định từ Trung ương để tích tụ được đất đai, nhà đầu tư thuê được diện tích lớn, nông dân được góp vốn bằng đất, thì địa phương cần củng cố các hợp tác xã, thay đổi tư duy sự lãnh đạo đối với ngành nông nghiệp, kêu gọi thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn nhất là chế biến nông sản.

    Ngành nông nghiệp phải sắp xếp lại bộ máy, thay đổi tận gốc phương thức lãnh đạo điều hành, bà con nông dân phải xem chất lượng, giá thành, năng suất lao động là việc sống còn trong hội nhập.

    PV: Với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất nhân rộng mô hình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, ông có xem đây là lợi thế để nông nghiệp Đồng Tháp bứt phá vươn lên mạnh mẽ trong năm 2017 và những năm tiếp theo? Giải pháp để phát huy lợi thế này là gì, thưa ông?

    Ông Nguyễn Văn Công: Việc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tuyên dương xem Đồng Tháp là điểm sáng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp để các nơi nghiên cứu học tập là sự khích lệ cổ vũ cho nông nghiệp tỉnh nhà, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với ngành nông nghiệp.

    Từ đó giúp chúng ta vững tin hơn, nhưng đây cũng là trách nhiệm lớn lao, sức ép lớn đối với lãnh đạo tỉnh, đặc biệt đối với ngành, buộc chúng ta phải luôn hoàn thiện, phấn đấu và vươn lên. Muốn làm được điều đó chúng ta phải tranh thủ sự lãnh đạo hỗ trợ từ Trung ương, hệ thống chính trị cả tỉnh, bám sát phương châm Đề án, lắng nghe doanh nghiệp, nông dân để điều chỉnh kịp thời. Nhân rộng các mô hình tốt, hiệu quả, chú trọng các nông sản tiềm năng, đẩy mạnh chế biến, xem chất lượng giá thành là yếu tố quyết định cho lợi nhuận, là nền tảng để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thành công.

    Nguồn: dongthap.gov.vn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây